Án mạng mười một chữ – Higashino Keigo
Khi một vụ án chẳng ai là người trong sạch. Khi tình bạn bị lợi dụng cho mục đích cá nhân. Khi sự thật được phơi bày khiến tất cả đều thương tổn. Bên tình, bên lý, biết chọn bên nào? Án mạng mười một chữ, nỗi đau quá khứ, kéo dài tới hiện tại, lạnh lùng, tàn nhẫn mà đắng cay, chua chát.
Cuốn tiểu thuyết mang âm hưởng của trinh thám cổ điển
Ra đời vào năm 1987, có thể nói, Án mạng mười một chữ được Higashino Keigo xây dựng rất khác so với các tác phẩm sau này: ngắn gọn, súc tích, tập trung nhiều hơn về mặt tình tiết, quá trình điều tra, phá án. Từ đấy, ông đã đưa sáng tác tiến gần hơn với thể trinh thám cổ điển.
Xét về mặt dung lượng, tiểu thuyết Án mạng mười một chữ chỉ gói gọn trong 258 trang truyện, ngắn hơn nhiều khi đặt cạnh hàng loạt các tác phẩm về sau của Keigo-sensei như Bí mật của Naoko, Đơn phương, Bạch dạ hành hay Phương trình hạ chí… Bởi thế, dòng sự kiện của tác phẩm được chú trọng vào cốt truyện chính: quá trình một nhà văn chuyên viết truyện trinh thám đi tìm lời giải đáp cho cái chết đầy bí ẩn của người đàn ông cô yêu. Và trong quá trình đó, cô gái ấy khám phá ra hàng loạt bí ẩn cả trong quá khứ lẫn hiện tại, cả các bí mật về những con người cô vốn không quen biết tới người bạn cô vốn tưởng đã rất thân quen. Từ đấy, Keigo tiên sinh tạo lên kết cấu truyện lồng truyện, sự việc này nối tiếp, là nhân quả cho sự việc kia: Bí ẩn hôm nay, liên đới với cái chết năm xưa; hành động trả thù cho quá khứ, làm nên án mạng trong hiện tại.
Một khía cạnh nữa khiến cho Án mạng mười một chữ trở lên gần gũi với các tác phẩm trinh thám cổ điển còn nằm ở yếu tố: Keigo-sensei đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng tình tiết và tạo dựng những cuộc đối thoại, tương tác giữa các nhân vật. Nói như thế không có nghĩa Án mạng mười một chữ thiếu đi các phân cảnh miêu tả nội tâm hay sự biến đổi tâm trạng nhân vật. Vẫn có những day dứt, những hối hận, những mệt mỏi, những sợ hãi… của một con người theo đuổi đến cùng hai chữ chân lý, của một cô gái lần đầu vướng vào những bí ẩn liên hoàn đã cướp đi người đàn ông cô yêu, người bạn thân của cô, thậm chí bản thân cô thiếu chút nữa cũng đã mất mạng. Nhưng trong cuốn sách 258 chương, tình tiết liên tiếp, dồn dập diễn ra; cùng với đó là bản thân nhân vật tôi gặp gỡ hàng loạt nhân vật khác, những người liên đới trực tiếp tới vụ án; vì thế tần suất của các cuộc đối thoại cũng trở nên dày đặc. Không chỉ vậy, trong Án mạng mười một chữ, tác giả còn kết hợp sử dụng nhiều câu văn ngắn, điều đó càng góp phần đẩy mạnh nhịp truyện cũng như tiến trình sự kiện diễn ra nhanh hơn nữa.
Nhưng tất cả, đều nằm trong một trục quá trình: Hành trình tìm kiếm sự thật của nữ nhà văn viết truyện trinh thám, đang tự đặt mình vào vai thám tử trong câu chuyện cuộc đời của chính cô. Đồng thời, tác giả cũng khước từ việc gắn Án mạng mười một chữ với những vấn đề quá mức đao to búa lớn trong xã hội. Cho nên tác phẩm dẫu mang hình thức truyện lồng truyện, một án mạng không đứng độc lập mà luôn gắn với bí ẩn phía sau – động cơ gây án của hung thủ và án mạng có thể tiếp nối án mạng mãi chẳng dừng nếu hận thù con người chẳng dứt thì cốt truyện của Án mạng mười một chữ vẫn rất gọn. Từ đó mà làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên gần gũi hơn với trinh thám cổ điển.
Những kẻ, vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ.
Mặc dù mang nội dung, cốt truyện và cách triển khai cốt truyện gần với trinh thám cổ điển thì Án mạng mười một chữ vẫn là một tác phẩm trinh thám chứa đựng những yếu tố trinh thám hiện đại do Higashino Keigo sáng tạo lên.
Nhân vật trung tâm trong tác phẩm – xưng tôi, tự kể lại trải nghiệm của bản thân về vụ án, về quá trình cô điều tra, phá án để đi tới được ánh sáng ẩn sau bức màn. Nhưng nhân vật ấy lại không phải thám tử hay điều tra viên chuyên nghiệp. Cô chỉ là một nhà văn tự do viết tiểu thuyết trinh thám mà thôi. Vì thế bản thân cô hẳn chưa khi nào tưởng tượng tới việc chính mình lại trở thành nhân vật chính cho tấn bi kịch kéo dài với đủ plot twist như một cuốn truyện trinh thám như vậy. Cũng bởi không phải người điều tra chuyên nghiệp, tiếp cận vụ án với tâm thế của người đến sau, bị động nên “tôi” không tránh khỏi những hành động, suy đoán có phần nghiệp dư, nhẹ dạ, thậm chí ngây thơ. Và đây hoàn toàn là tâm lý tự nhiên của con người khi phải ứng phó với một hoàn cảnh bất ngờ, khi phải đối diện trước sự phức tạp của sự việc lẫn lòng người như thế. Sáng tạo lên một nhân vật chuyên sáng tác trinh thám đồng thời đặt nhân vật đó một tác phẩm trinh thám để giải quyết vụ án chính nhân vật vướng phải, đây vừa là sáng tạo, cũng vừa là cách thức Keigo-sensei phần nào tái hiện hiện thực: sự khác biệt rất lớn giữa đời sống với trang văn.
Bên cạnh đó, ngoài hình thức truyện lồng truyện, Án mạng mười một chữ còn mang kết cấu đa thanh, đa bội ngôi kể, đa dạng điểm nhìn ở từng chương truyện. Đó là sự đan xen của bốn màn độc thoại ngắn vào mạch truyện chính. Ở đó, người độc thoại không phải nhân vật “tôi” – nữ nhà văn trinh thám mà là một “tôi” khác, theo sát bước chân nhân vật chính đồng thời tham gia trực tiếp vào hàng loạt vụ án mạng trong hiện tại. Tất nhiên, nếu độc giả là một người đã quá quen thuộc với dòng truyện trinh thám thì không thật khó khăn để biết được, tôi trong bốn màn độc thoại ngắn kia là ai. Nhưng sáng tạo lên một cái “tôi” bí ẩn, Keigo-sensei đã tạo lên tính phức hợp, phức điệu cho cuốn tiểu thuyết chỉ hơn 200 trang của ông. Ở đấy, có sự đa thanh của lời kể, đặt độc giả vào những dòng tự sự khác nhau, qua những điểm nhìn khác nhau để từ đó, người đọc có được cái nhìn tổng quan, toàn diện, đa chiều về hệ thống nhân vật cũng như toàn bộ câu chuyện ông xây dựng.
Để từ đó, người đọc nhận ra, Án mạng mười một chữ gần gũi với trinh thám cổ điển, cũng dễ đoán biết hung thủ của những vụ án liên hoàn là ai, song đây không phải một cuốn tiểu thuyết được tạo dựng lên một cách đơn giản. Mà trong câu chuyện đó, trong tấn bi kịch kéo dài mãi từ quá khứ cho tới hiện tại và có thể vẫn tiếp nối tới tương lai, là muôn vàn gương mặt: vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ, không ai hoàn toàn trong sạch song cũng không ai lại đáng trách hoàn toàn.
Kẻ là nạn nhân hôm nay, trong quá khứ khi xưa đã từng là hung thủ của một vụ ám sát đầy tàn độc. Hung thủ trong hiện tại, lại là nạn nhân của bi kịch quá khứ. Nạn nhân trong quá khứ, phần nào lại trở thành hung thủ khi đặt trên sự phán xét của khía cạnh đạo đức. Kẻ như đứng sau tất cả bi kịch, lại bỗng trở thành nạn nhân nếu toàn bộ sự thật bị phơi bày… Ai cũng có động cơ riêng, ai cũng có nỗi khổ tâm riêng đẩy người ta vướng vào tội ác. Xây dựng lên những khuôn mặt đó, Keigo-sensei lần nữa, đưa tác phẩm của ông tiến gần tới hiện thực cuộc sống. Bởi cuộc sống đa diện và phức tạp, phải – trái, trắng – đen, đúng – sai,… vốn đâu thể lúc nào cũng có thể phân định rạch ròi. Vì thế, sự thật vốn được giấu trong chiếc hộp Pandora, khi người ta nhất quyết khai mở, chạm vào đó chỉ là nghiệt ngã, khổ đau, day dứt. Và con người, đứng trước hiện thực tàn nhẫn, chỉ có thể lựa chọn cách giải quyết để xoa dịu tâm hồn, để bản thân không phải hối hận về sau. Giống như một phương trình có vô số nghiệm, người ta chỉ có thể lựa chọn nghiệm tối ưu cho cuộc đời mà thôi.
Và ở khía cạnh này, Higashino Keigo đã gặp gỡ tác giả Agatha Christie, khi bà viết lên Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông cũng với những gương mặt vừa là hung thủ, vừa là nạn nhân như vậy. Nhưng với lối tạo dựng cốt truyện, cách tạo dựng hệ thống nhân vật và khắc họa từng cá nhân, mỗi cái “tôi” khác nhau mà Keigo-sensei đã tạo lên Án mạng mười một chữ thật sự là của riêng bản thân ông, một tác phẩm, vừa cổ điển cũng vừa hiện đại.
*Cre: Sách Nhã Nam
Dẫu sự thật ra sao, cuộc sống vẫn tiếp tục chảy trôi không ngừng.
Có lẽ, cách kết truyện của Án mạng mười một chữ với một hiện thực phơi bày: ai cũng là nạn nhân, ai cũng là hung thủ và chẳng kẻ nào phải trả giá trước pháp luật là một cái kết khó chiều lòng tất cả độc giả, đặc biệt những ai muốn có sự rạch ròi, muốn kiếm tìm sự trắng – đen phân minh trong một tác phẩm trinh thám. Nhưng như đã nói, cuộc đời vốn không phải lúc nào cũng thể phân rõ phải – trái, đúng – sai và dẫu sự thật có ra sao, người ta chọn cách sống thế nào, thì thời gian vẫn tiếp tục chảy trôi, cuộc đời vẫn tiếp tục diễn tiến và con người vẫn phải tiếp tục hướng đến tương lai.
Chỉ là, hận thù chắc chắn không thể giải quyết bằng hận thù, kéo dài đau thương, bi kịch chỉ khiến cho tâm hồn thơ dại, trong sáng của những đứa trẻ vô tội như cô bé Yumi càng thêm đau khổ mà thôi. Vậy tại sao, mỗi người không buông bỏ thù hằn, như nhân vật “tôi”, đã chấp nhận sự phức tạp của cuộc đời để có thể đối diện với tương lai bằng thái độ bình thản nhất: “Nhưng từ giờ mọi chuyện ra sao cũng được, tôi sẵn sàng đón nhận. Vì tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Dù ngày mai có xảy ra chuyện gì, thì hôm nay cứ đi ngủ cái đã.”